Giàu tiềm năng
Vùng biển đảo Cù Lao Chàm thuộc vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, được đánh giá là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học vào loại cao nhất Việt Nam. Trong những năm qua, du lịch Cù Lao Chàm không ngừng phát triển, thu hút một lượng lớn du khách với các hình thức du lịch được khai thác chủ yếu là lặn khám phá đáy biển, ngắm san hô, cắm lều trại ở bãi biển và lưu trú cùng dân. Tuy vậy, các dịch vụ và sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn, chưa tạo được bản sắc, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của cư dân miền biển.
“Nghề biển là thế mạnh của Cù Lao Chàm. Khi không đưa điểm mạnh đó vào và không tìm cách bảo tồn thì chúng ta thiếu quy hoạch phát triển bền vững bởi nghề đó là xương sống, là linh hồn của du lịch Cù Lao Chàm chứ chúng ta mới chỉ dựa vào thiên nhiên nhiều quá!” - ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói.
Cùng với những giá trị văn hóa đặc trưng của cư dân miền biển đảo, Cù Lao Chàm còn có nguồn tài nguyên rừng đa dạng, độc đáo. Cán bộ và nhân dân trên đảo đang bảo vệ 580ha và khoanh nuôi hiệu quả gần 460ha rừng đặc dụng. Rừng Cù Lao Chàm có hơn 500 loài với nhiều loại lâm sản quý như gõ, kiền kiền, dẻ, chua…, có hơn 220 loài cây làm thuốc, nhiều loại dược liệu quý như mã tiền, sơn máu, ngũ gia bì… Đặc biệt có 2 loại cây thuốc Nam quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam là cây cỏ nhung và trầm hương. Có 4 loài cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Viêt Nam công nhận là cây di sản gồm: cây đa, 3 cây ngô đồng đỏ, cây nánh và cây nén cổ thụ tại Miếu tổ nghề yến. Hệ động vật có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát, trong đó có loài khỉ đuôi dài và chim yến quý hiếm.
Xây dựng sản phẩm du lịch
Hiện nay du khách đến tham quan Cù Lao Chàm chủ yếu được trải nghiệm các loại hình du lịch sinh thái biển như tham gia các hoạt động thể thao biển, tắm biển, lặn ngắm san hô; kết hợp theo tour tham quan các di tích lịch sử, đi dạo trên đảo và một số hoạt động dã ngoại khác rồi thưởng thức đặc sản biển, rau rừng, cua đá… chứ chưa khai thác ưu thế du lịch sinh thái rừng. Rõ ràng, so với tiềm năng và lợi thế, chừng đó loại hình là còn hạn chế, chưa thật phong phú và chưa hấp dẫn do việc tổ chức, điều hành còn mang tính tự phát.
Ông Lê Xuân Ái (chuyên gia bảo tồn biển, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho rằng: “Du lịch sinh thái theo định nghĩa của ASEAN là du lịch dựa vào thiên nhiên. Có những loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên nhưng không có trách nhiệm với thiên nhiên. Cho nên ở Cù Lao Chàm đã chọn du lịch sinh thái thì phải chọn lựa các nhà đầu tư hoặc các hoạt động du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên. Đó là cái chúng ta phải chủ động lựa chọn trong quá trình phát triển du lịch”.
TS.Ando Katsuhiro (Đại học Yamanashi, Nhật Bản) cho biết, trong chương trình đối tác phát triển của JICA từ năm 2016 đến năm 2019, Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa đã triển khai Dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản ở các làng nông, ngư nghiệp. Dự án này có mục tiêu thúc đẩy các hoạt động du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sinh kế của người dân.
“Trong dự án này, người ta tìm ra sức hấp dẫn tiềm năng ở Cù Lao Chàm, phát triển du lịch hướng đến văn hóa và ngành nghề có kế thừa truyền thống lâu đời. Đưa những ngành nghề địa phương và những câu chuyện được truyền từ xa xưa vào du lịch, cung cấp những chương trình trải nghiệm văn hóa cho du khách, tiếp cận và phát triển du lịch” - TS.Ando nói.
Phát triển thêm các loại hình, tuyến, điểm tham quan trên phạm vi xã đảo là góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút khách. Có thể mở thêm các tour: tham quan cây di sản, khám phá tuyến đường phía đông trên đảo dành cho du khách thích mạo hiểm và mở rộng các tuyến tham quan ra toàn quần đảo, đến với các bãi biển mới như bãi Xếp, bãi Cụt, bãi Ruộng. Với du lịch cộng đồng, có thể vận động đầu tư nâng cao chất lượng và mở thêm các hoạt động như: vận chuyển khách đi câu cá, xem san hô bằng thuyền, bằng thúng đáy kính, đi bộ thưởng ngoạn và khám phá cảnh quan thiên nhiên trên rừng, dưới biển.../.