(Tạp chí Du lịch) - Đã một tuần xa Tây Bắc mà mặt trời luôn thức dậy trước chúng tôi. Giấc ngủ vùi trong tiếng sóng. Mệt mỏi sau hành trình dài lúc rong ruổi qua các miền quê, lúc ngắm mây nước qua cửa sổ máy bay, đến với một miền văn hóa mới cũng đâu có dễ.
Nắng lưng chừng đèo Phượng Hoàng, xe chúng tôi như lạc vào miền trời xanh. Trời quê hương nơi đâu cũng thân thương nhưng mỗi vùng đất lại mang một tâm hồn khác. Lạ nỗi, chưa thu, nắng đã vàng trên đất đỏ bazan. Tây Nguyên là vậy, tưởng như nghe đâu đây tiếng chiêng, thấy ánh lửa bập bùng, những đàn voi và những vòng xoang xoay tròn mùa xuân… Nhưng đến lưng đèo, vẫn chỉ là những con dốc thoải, chưa thấy những cốt cao nhưng đang ngỡ ngàng nhận ra: Ồ, Buôn Ma Thuột, thủ phủ của Tây Nguyên thuở nào, nơi có vị cà phê đậm hương đất. Dưới bóng những tán cây già gợi nhớ núi rừng Tây Nguyên, ngỡ như bất kể con đường nào cũng vẫn còn bóng những thớt voi trong nắng vàng. Tự dưng, có chút gì đó gợi nhớ không gian của núi rừng Tây Bắc. Cũng hoa cà phê trắng, dẫu những bông cà phê chè nhỏ nhắn hơn, cũng màu đất ngang tàng, dẫu đất Tây Bắc sẫm, và cái nắng, cái gió, như giữa cánh đồng Châu Thuận nơi thủ phủ của xứ Thái…
Bỏ lại đôi giày bám bụi đường, bước vào căn nhà theo kiểu nhà sàn gỗ với kiến trúc thật đăc biệt. Biệt Điện của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến trị vì dưới ách cai trị của người Pháp không tránh khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhưng cũng không đánh mất những nét bản sắc từ chất liệu gỗ, từ những chiếc nỏ, mũi tên, khẩu súng, những vật dụng không thể thiếu của phường săn.
Cái nắng, cái gió, lao đao say vị cà phê và văng vẳng bên tai âm hưởng của ca khúc “Ơi M’drak” ở sau dẫu đã qua M’drak rất lâu. Tây Nguyên còn ở phía trước, ở giữa Buôn Ma Thuật lại ngỡ như một Hòa Bình của miền Tây Bắc. Khi vừa từ Hà Nội vượt qua dãy núi Lương Sơn, đất Mường cũng đón du khách bằng tiếng chiêng và đậm đà men rượu cần.
Mặt trời đứng bóng, xe cứ rong ruổi cung đường cao nguyên, chúng tôi đi để kịp nhìn thấy mặt trời. Đắk Nông hiện ra dưới nắng vàng rực rỡ, một miền Tây Nguyên khác, một chất cao nguyên khác, có ai ngờ vượt đường dốc đến đây không bao giờ muộn bởi đây là nơi “mặt trời ở lại”. Đêm, trời Tây Nguyên se lạnh mát dịu. Giữa căn phòng thoáng đãng hướng Đông, mặt trời lên khi chúng tôi thức giấc. Mặt hồ với muôn sắc hoa tô điểm bên bờ, cùng ly cà phê đen, cảm nhận cái mênh mông của những tên buôn làng. Đỉnh Nâm Nung cao vời vợi như uy vũ của người anh hùng N'trang Lơng còn phủ bóng, thác Đray Sáp như còn kể mãi trong ký ức của bao thế hệ người M'Nông.
Rời Đắk Nông, xe chúng tôi ngược Lâm Đồng để được cảm nhận không khí thực sự của vùng đất cao nguyên. Lên cao, trời như xanh hơn, gió lùa qua ngàn thông mát rượi. Đà Lạt với những con đường sạch bóng, ngược dốc mà những đoàn xe lên đây hăm hở đón cơn gió mát. Đã nức tiếng từ lâu, Đà Lạt có chút gì đó như Mai Châu, Mộc Châu nhưng có lẽ, dẫu vào mùa mưa, nơi đây cũng không trở nên khắc nhiệt như Tây Bắc. Tây Nguyên có rừng, rừng giữ nước và rừng giữ mây ở lại. Tây Nguyên có những con sông tươi mát, có những mặt hồ in mây trời và những nụ cười người dân như những bông hoa không tên chúng tôi gặp trên hành trình này. Mưa, mưa bụi và sẽ còn nặng hạt ở phía trước. Bất giác, chúng tôi bắt gặp một cô bé vai đeo gùi lặng lẽ bước trên con đường đất, lại nhớ câu hát “em đi tỉa bắp, hay hái măng rừng” (H'Jen lên rẫy) gợi nhớ những cô gái Thái hái măng rừng trên con đường nhỏ vắng vẻ của cao nguyên Sơn La, bao tha thiết nhớ.
Cung đường đưa chúng tôi trở lại miền biển nắng ấm được phủ kín bằng mưa và mây, dưới chân đèo là mây bay, ngoảnh lại Tây Nguyên đã mờ mịt như một câu chuyện cổ. Vậy là, sẽ mãi mãi còn đó những câu hỏi mà những người bạn ở xứ sở này chưa kịp trả lời cho tôi hay chính một con người sinh ra ở miền núi cao Tây Bắc đang băn khoăn: có phải Tây Nguyên đang vẫy gọi Tây Bắc ở phía bên kia dặm dài đất nước?