30 May, 2019
Nghề rèn của đồng bào Cơ tu vùng núi Quảng Nam có từ lâu đời. Sự kiên trì, sáng tạo, cần mẫn của đàn ông dân tộc Cơtu trong nghề rèn không chỉ góp phần tăng năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất mà còn thể hiện nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.
Già làng Cooh Tám (75 tuổi) là một thợ rèn lâu năm ở tại thônVoòng, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Hằng năm, cứ trước mùa phát rẫy chuẩn bị gieo hạt khoảng 2 đến 3 tháng, đây là thời gian nông nhàn để đàn ông Cơ tu đốt lửa lên rèn con dao, cái cuốc, cái rựa, cào cỏ... phục vụ mùa màng.
Ông kể, để có một sản phẩm, ngày trước người Cơ tu rèn dụng cụ từ quặng do họ tìm được tại địa vực cư trú. Bên cạnh quặng, những mảnh đạn, mảnh bom còn sót lại sau chiến tranh ở núi rừng, lòng sông, dưới suối cũng được người Cơ tu tận dụng để rèn thành những dụng cụ bền đẹp và sắc.
Nghề rèn đòi hỏi người thợ Cơ tu phải có sức khỏe, sự khéo léo, cũng như sự kiên trì và sáng tạo mới có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc mình. Từ cách nhóm lò, chọn than cho đến cách đặt bếp cũng phải có kỹ thuật. Khác với lò rèn của các dân tộc khác trong vùng, lò rèn của người Cơ tu được đắp bằng đất, mặt lò võng xuống để có thể cho than vào, than để đốt lò là than của một loại gỗ ở trong rừng.
Khi rèn phải theo một quy trình và cần có hai người, một người rèn và một người kéo bơm gió để than trong lò cháy đều cung cấp nhiệt cho quá trình rèn. Người thợ rèn cần tính toán kỹ lưỡng mỗi khi bắt tay vào rèn một sản phẩm, phải thổi lửa sao cho sắt đỏ vừa phải, phù hợp. Ðặc biệt, không phải than nào cũng dùng để đốt lò, mà họ vẫn sử dụng loại than được đốt từ cây dẻ, loại than cho ngọn lửa có nhiệt độ lên đến trên 1.000 độ C.
Cũng theo ông Cooh Tám, mỗi lần đập búa bao giờ cũng một tiếng nặng, một tiếng nhẹ để tạo nên sự chính xác nơi nện búa. Khi rèn, cho quặng, sắt vào nung đỏ rực rồi đem nhúng vào nước để nhiệt độ giảm đột ngột làm cho sắt non hơn để dễ đập thành sản phẩm. Sau đó, người thợ phải hình dung được hình dạng của công cụ rồi dùng đột và búa cắt thành hình công cụ cần rèn. Người thợ tiếp tục bỏ vào lửa nung rồi lại đập cho đến khi nào thành sản phẩm như ý.
Tất cả công đoạn đối với nghề rèn của đồng bào Cơ tu chủ yếu dựa vào sức người là chính. Kỹ thuật rèn của người Cơ tu không được ghi chép bài bản, nhớ trong đầu và chỉ có người đi trước truyền lại cho người đi sau. Ngoài các công đoạn đập, sửa, mài, tôi thì người Cơtu vẫn còn dùng sừng trâu trong quá trình tôi, để sản phẩm có độ rắn chắc và bền hơn.
Khi sản phẩm rèn xong, người Cơ tu tiếp tục sử dụng dũa để dũa những đoạn bị mẻ, sứt hoặc chưa đều. Họ tiếp tục lấy đá để mài, mài thật kỹ cho đến khi sản phẩm sắc hơn và bong ra một lớp trắng ở đầu lưỡi thì mới thôi. Công đoạn mài không hề đơn giản, đòi hỏi người thợ phải mài thật tỉ mỉ và khéo léo thì dụng cụ mới bén như ý muốn.
Trước đây, các sản phẩm từ nghề rèn của người Cơ tu làm ra chủ yếu để trao đổi lương thực, thực phẩm giúp bà con, anh em, họ hàng trong làng có vật dụng làm rẫy, đi rừng, săn bắn. Nay nghề rèn truyền thống cũng không được làm quanh năm như trước kia nữa, mà chủ yếu bà con chế tác dụng cụ sản xuất trước mỗi mùa rẫy. Mỗi làng cũng chỉ có một số gia đình làm nghề. Tuy không còn đào quặng, luyện sắt như trước kia, nhưng kỹ thuật rèn thì người Cơ tu vẫn giữ nguyên.
Theo phong tục cổ truyền, người Cơ tu vẫn giữ các nghi lễ gắn với nghề rèn. Trước mỗi mùa rèn, người Cơ tu thường tổ chức cúng Giàng ngay tại lò. Lễ cúng Giàng do người thợ rèn chính của làng đứng ra tổ chức, lễ phẩm thường gồm có con gà, ché rượu cần thơm ngon, rượu tà vạt. Người thợ chính lấy rượu, máu gà bôi lên chiếc đe, hòn đá mài, chiếc búa, xong khấn mong Giàng phù hộ cho thợ rèn được làm ra nhiều mẻ sắt, rèn được nhiều dụng cụ lao động sắc, bén, bền.
Nghề rèn của đồng bào dân tộc Cơ tu vùng núi Quảng Nam chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Cơ tu, nên mỗi khi lò đỏ lửa để rèn thì cũng là dịp để người thợ truyền nghề cho lớp trẻ biết cách học rèn.
Nhờ đó, nghề rèn truyền thống của người Cơ tu vẫn giữ nguyên. Trong bối cảnh của một nền công nghiệp hiện đại, hàng loạt các công cụ được sản xuất bằng máy móc ra đời với đầy đủ các tính năng nhưng đối với người Cơ tu vùng núi Quảng Nam, các sản phẩm đó vẫn không thể thay thế được chỗ đứng của các sản phẩm thủ công chất lượng, độc đáo do chính các thợ rèn ở đây làm ra.
Bao Da Nang